\

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên khi bé 6 tháng tuổi là giai đoạn an toàn nhất để bé tập ăn dặm và hoàn thiện vị giác. Vì lúc này hệ tiêu hóa bé khỏe mạnh hơn, cơ thể bé cứng cáp hơn và các phản xạ nhận – nhai nuốt thức ăn bắt đầu hình thành. Sau 6 tháng, bạn nên cho bé tập ăn dặm để con có được các dưỡng chất thiết yếu khác ngoài sữa. Cùng tham khảo thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng từ bài viết sau có thể giúp bé hào hứng với việc ăn dặm.

Tập ăn dặm cho bé

Khi nào thì có thể bắt đầu tập ăn dặm cho bé là câu hỏi của rất nhiều phụ huynh. Tùy theo từng bé các mẹ có thể cho bé tập ăn dặm khi bé được 4 – 6 tháng tuổi kể từ ngày dự sinnh. Trẻ ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa vẫn còn chưa phát triển hoàn thiện. Do đó, bạn nên hạn chế cho trẻ dùng thức ăn đặc hoặc bất kỳ loại thức ăn dạng rắn nào khác. Theo nhiều nghiên cứu đã công bố, bạn chỉ nên cho bé ăn dặm sau 6 tháng tuổi. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng có thể tập ăn dặm cho bé trong giai đoạn 4-6 tháng nếu con có các biểu hiện sau:

  • Bé có nhu cầu ăn nhiều hơn dù bạn đã cho con bú 8-10 lần/ngày.
  • Con có thể ngồi nếu được hỗ trợ: Để tập thói quen ngồi ăn một cách vững chắc mà không cần sự trợ giúp của người lớn sau này, con cần ngồi thẳng để nhai và nuốt đúng cách.
  • Bé tỏ ra thích thú, tò mò về loại các thức ăn. Bạn có thể nhận thấy bé có những biểu hiện lạ như chăm chú nhìn vào những gì bạn đang ăn và đòi lấy thức ăn.
  • Con có thể giữ đầu ở tư thế thẳng đứng và ổn định mà không cần đến sự trợ giúp.
  • Bé biết tém và nhai thức ăn bằng nướuBạn không nên cho bé ăn thức ăn đặc nếu bé đẩy thức ăn ra khỏi miệng.
  • Bạn có thể tập cho bé yêu ăn dặm khi trọng lượng cơ thể của bé gấp đôi so với lúc mới sinh và ít nhất là trên 4 tháng tuổi.

Khi bắt đầu cho con ăn dặm, bạn có thể tham khảo thêm về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đồng thời kết hợp với những thông tin sau đây để xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi khoa học nhất.

Tham khảo thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng và những điều cần lưu ý

Dưỡng chất thiết yếu trong thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi

1. ¾ tổng lượng dinh dưỡng bé hấp thụ là từ sữa mẹ

Sữa mẹ vẫn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của bé 6 tháng tuổi, chiếm tỉ lệ ¾ tổng lượng thức ăn mỗi ngày mà bé cần dung nạp. Một ngày, bé cần được cung cấp khoảng 700-800ml sữa mẹ. Do đó, mẹ cần ưu tiên lựa chọn chế độ ăn uống hợp lý để đảm bảo chất lượng nguồn sữa.

Sau 6 tháng tuổi, bé cần được bổ sung các dưỡng chất khác ngoài sữa. Do đó, bạn cần tập cho bé ăn dặm để con được cung cấp các dưỡng chất thiết yếu từ thức ăn. Khi bé đã quen với việc ăn dặm. Mẹ nên cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, nhất là các thực phẩm cung cấp các dưỡng chất mà bé cần.

2. Nhu cầu dinh dưỡng cho bé 6 tháng tuổi được khuyến cáo như sau:

  • Nhu cầu năng lượng: Trẻ từ 6 tháng tuổi nhu cầu là 710 kcal/ngày. Năng lượng cung cấp được phân bố 50% cho nhu cầu chuyển hóa cơ bản, 25% cho hoạt động và 25% cho phát triển.
  • Nhu cầu protein: Trẻ từ 6 tháng có nhu cầu protein theo khuyến nghị là 21-25 gam/ngày.
  • Nhu cầu lipid: Trẻ từ 6 tháng có nhu cầu lipid là 40% (tối đa 60%) năng lượng ăn vào. Tỷ lệ cân đối giữa lipid động và và thực vật được khuyến nghị là 70% và 30%
  • Nhu cầu vitamin và chất khoáng: Vitamin tan trong nước (vitamin B, C, B6, B9, B12…); vitamin tan trong dầu (vitamin A, D); chất khoáng (calci, sắt, kẽm, …)

Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng từ các nguồn thực vật

Khi cho trẻ ăn dặm phải lựa chọn được thực phẩm phù hợp. Ban đầu, hãy cho trẻ ăn các loại thực phẩm mềm hoặc có thể nghiền nhỏ. Đồng thời, nên khuyến khích trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm như trái cây, rau, ngũ cốc, thịt, sữa…

Một số loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật thích hợp tập và ăn dặm như:

1. Quả Bơ

Bơ chứa nhiều chất béo và các chất dinh dưỡng cần thiết để bé phát triển khỏe mạnh. Thịt trái bơ chín mềm, mịn và sệt như kem, vậy nên các bé có thể dễ dàng ăn và tiêu hóa tốt.Trong bơ có các loại vitamin A, C, niacin, folate cùng các khoáng chất như kali, phốt pho, sắt, magiê, canxi… Đây là một loại thực phẩm tuyệt vời dành cho những bé lần đầu tập ăn dặm.

Bạn có thể chế biến bơ cho bé thưởng thức theo cách sau:

  • Bơ chín bóc vỏ, loại bỏ xơ và những phần hỏng (nếu có).
  • Cắt bơ thành những miếng nhỏ, dùng thìa hoặc nĩa nghiền nhuyễn.
  • Bạn có thể thêm sữa công thức (đã pha) hoặc sữa mẹ hay nước để bơ có dạng lỏng, mịn cho bé dễ nuốt. Ngoài ra, bạn có thể thêm bột ngũ cốc nếu muốn hỗn hợp sệt, đặc hơn.

2. Khoai lang, khoai tây

Chế biến khoai lang, khoai tây cho bé ăn dặm nếu khi nhà bạn có lò nướng:

  • Rửa sạch khoai, không gọt vỏ, dùng tăm hay nĩa đâm vài lỗ trên củ khoai.
  • Bọc khoai trong giấy bạc đặt vào lò nướng và chỉnh đến 400 độ, nướng trong 30 phút hoặc cho đến khi khoai chín mềm. Khoai chín nghiền nhuyễn hoặc xay mịn, thêm nước hoặc sữa để tạo thành hỗn hợp lỏng, mịn rồi cho bé ăn.

Khi trong nhà bạn không có lò nướng hoặc muốn thay đổi bạn có thể chế biến theo phương pháp sau:

  • Dùng dao hai lưỡi bào vỏ khoai, cắt khoai thành khối nhỏ.
  • Bạn hấp khoai hoặc cho khoai vào nồi, đổ xâm xấp nước, luộc cho đến khi khoai chín mềm. Lưu ý kiểm tra nước trong nồi, không để nước cạn làm cháy khoai.
  • Khoai chín dùng thìa nghiền nát, rây mịn hoặc dùng máy xay nhuyễn.
  • Thêm nước hoặc sữa để hỗn hợp đạt được độ lỏng, mịn như ý rồi cho bé ăn.
Thức ăn dặm cho bé tự nguồn gốc thực vật tự nhiên

3. Chuối chín

Các nghiên cứu chỉ ra rằng màng nhầy của chuối tạo ra có thể bao lấy dạ dày, giúp bé tiêu hóa dễ dàng hơn. Chuối có vị ngọt nên có thể giúp bé dễ làm quen hơn khi lần đầu ăn dặm. Trong chuối có chứa các loại vitamin A, C, folate và các khoáng chất như kali, phốt pho, selenium, magiê và canxi… rất tốt cho bé. Vì vậy chuối cũng một lựa chọn tuyệt vời để đưa vào thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng.

Cách làm

  • Chuối chín bóc vỏ, thái khoanh, dùng thìa nghiền nát, dùng rây rây mịn hoặc bạn cũng có thể cho vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn. Bạn có thể cho chuối vào lò vi sóng đun khoảng 25 giây trước khi nghiền để chuối mềm và dễ nghiền hơn.
  • Thêm sữa mẹ, sữa công thức đã pha hoặc nước để làm loãng hỗn hợp hoặc thêm ngũ cốc nếu muốn hỗn hợp sệt lại.

4. Quả Lê

Quả lê chứa vitamin A, C, folate và các khoáng chất như kali, phốt pho, magiê, canxi… rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Vì vậy, mẹ cũng nên đưa lê vào thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi nhà mình nhé!

Cách làm

  • Gọt vỏ, bỏ lõi, cắt miếng, cho vào máy xay sinh tố xay cho đến khi thành hỗn hợp mịn. Bạn cũng có thể dùng thìa, nĩa nghiền lê rồi dùng rây rây mịn.
  • Bạn có thể thêm nước để hỗn hợp loãng hơn. Tuy vậy, lê là loại trái cây chứa nhiều nước nên việc thêm nước không thật sự quá cần thiết. Bạn có thể trộn thêm ngũ cốc để hỗn hợp sệt hơn nếu cần thiết.

5. Gạo lứt

Ngũ cốc nguyên hạt là loại thức ăn lành mạnh, bổ dưỡng cho bé và cho cả gia đình bạn. Bạn hãy chọn gạo lứt hữu cơ để đảm bảo ngũ cốc không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Nếu bạn muốn tự tay làm ngũ cốc cho bé thì hãy chế biến ngũ cốc từ gạo lứt.

Nguyên liệu:

  • 20g bột gạo làm từ gạo lứt hữu cơ xay nhuyễn
  • 100ml nước.

Cách chế biến:

  • Đun sôi nước, thêm bột gạo lứt vào từ từ và khuấy đều tay.
  • Đun nhỏ lửa trong khoảng 5 phút và khuấy đều tay.
  • Bột nguội, bạn có thể thêm sữa bột hoặc sữa mẹ hay các loại rau củ, trái cây đã xay mịn (nếu muốn).

6. Ngũ cốc

Bạn có thể sử dụng những loại ngũ cốc dành cho trẻ ăn dặm được chế biến sẵn của các thương hiệu uy tín. Ngoài ra, bạn có thể tự chế biến bột ngũ cốc từ gạo, gạo lứt và các loại đậu… cho bé.

Hãy thay đổi độ loãng hay đặc của ngũ cốc cho phù hợp với khả năng nuốt thức ăn của bé. Khi chế biến bột ngũ cốc cho bé, bạn có thể trộn với sữa công thức, sữa mẹ hoặc nước.

Hãy chắc chắn rằng thức ăn được chế biến dành riêng cho trẻ nhỏ. Điều này sẽ giúp đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng bé cần trong lứa tuổi này và thức ăn không chứa quá nhiều muối.

Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng từ các nguồn động vật

Nếu bé chủ yếu được cho bú sữa mẹ, bé có thể cần được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng từ các loại thịt có chứa sắt và kẽm. Khi được 6 tháng tuổi, cơ thể bé đã có thể hấp thu các chất dinh dưỡng có trong những loại thực phẩm này.

Thịt heo, thịt gà, thịt bò, lòng đỏ trứng, tôm, cá thịt trắng… là nguồn bổ sung sắt và kẽm tuyệt vời cho bé trong giai đoạn ăn dặm. Lưu ý là bạn nên cho bé ăn từng ít một và quan sát xem bé có bị dị ứng với loại thực phẩm nào không.

1. Thực phẩm chứa vitamin D

Mặc dù các nhà khoa học khuyến cáo rằng bạn nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh và duy trì việc này càng lâu càng tốt, song bạn có biết sữa mẹ không chứa đủ vitamin D mà trẻ cần? Vì vậy, bạn nên bổ sung vitamin D cho bé để tránh mắc phải các bệnh như còi xương.

Dù ánh sáng mặt trời giúp kích thích da sản xuất vitamin D nhưng tất cả trẻ em đều được thoa kem chống nắng, đội mũ, mặc quần áo che chắn khi ở ngoài trời để hạn chế tác hại của tia tử ngoại. Chính điều này lại khiến da không được tiếp xúc với ánh nắng để sản xuất vitamin D. Do vậy, các nhà nghiên cứu đã đề xuất rằng những trẻ bú mẹ cũng như uống sữa công thức nên bắt đầu bổ sung vitamin D ngay sau khi sinh bằng cách dùng viên vitamin D 400 IU bổ sung mỗi ngày. Hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa để xem lượng vitamin D bé cần bổ sung là bao nhiêu.

2. Thực phẩm giàu chất sắt

Trong 4 – 6 tháng đầu tiên, trẻ bú sữa mẹ không có nhu cầu bổ sung thêm sắt vì lượng sắt trong cơ thể mẹ trước khi sinh đã hoàn toàn đủ cho trẻ. Sau khoảng thời gian trên, lượng sắt dự trữ trong cơ thể bạn sẽ dần cạn kiệt và nhu cầu sắt của bé cũng sẽ tăng dần khi bé lớn lên.

Nếu trong thời kỳ mang thai, bạn mắc phải những biến chứng như bệnh tiểu đường hay bé sinh ra có cân nặng thấp hoặc sinh non, bé có thể cần được bổ sung thêm sắt. Hãy hỏi bác sĩ nhi khoa để được tư vấn thêm.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cho rằng các bé không được bú mẹ hoặc chỉ bú mẹ trong thời gian ngắn cần phải uống sữa bột có bổ sung sắt từ lúc sơ sinh đến 12 tháng tuổi. Các nhà nghiên cứu cũng không khuyến khích bạn sử dụng loại sữa bột bổ sung hàm lượng sắt thấp vì những loại sữa này không cung cấp đầy đủ lượng sắt mà bé cần.

Do đó, việc cho bé ăn dặm giúp bé được bổ sung thêm lượng sắt từ các loại thịt, cá, ngũ cốc, rau củ…

Một số món bột ăn dặm cho bé

Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi tham khảo thêm

Chế biến bột ăn dặm trong thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng, mẹ nên kết hợp với sữa mẹ hoặc sữa công thức đã pha để tạo mùi vị quen thuộc cho bé. Chất béo từ dầu, mỡ và chất đạm động vật sẽ chưa phù hợp với bé ở giai đoạn đầu tập làm quen với thức ăn dặm mẹ nhé!

1. Món Bột sữa – bí đỏ

Số lượng một chén

Nguyên liệu:

  • Bột gạo lứt: 2 muỗm canh gạt
  • Sữa bột béo: 3 muỗm canh gạt
  • Bí đỏ: 1 miếng bằng 2 hộp quyẹt
  • Dầu mè: nửa muỗm cà phê
  • Nước sạch: 200ml

Cách làm:

  • Bí đỏ gọt vỏ rửa sạch, hấp chín, tán nhuyễn
  • Lấy nồi cho vào lưng chén nước khuấy với bột gạo lứt cho tan đều. Thêm bí đỏ, đường, bắc lên bếp nấu lửa nhỏ vừa cho đến khi chín.

Chú ý: Tùy theo tháng tuổi mà cho bé ăn từ 1/3 chén đến 1 chén mỗi bữa ăn. Bé 6 tháng có thể ăn đến hơn nửa chén một chút. Bột lỏng hay đặc cũng tùy theo tháng tuổi hoặc sở thích của bé để điều chỉnh cho thích hợp

2. Bột cá- rau dền

Số lượng 1 chén

Nguyên liệu:

  • Bột gạo lứt: 2 muỗm canh gạt
  • Cá nạc: 2 muỗm canh
  • Rau dền: 1 cây
  • Dầu mè: 2 muỗm cà phê
  • Nước mắm ngon: 1 muỗm cà phê
  • Nước sạch: 200ml

Cách làm:

  • Rau dền lặt lá non, rửa sạch, cắt nhỏ, bằm nhuyễn.
  • Cá hấp chín, nghiền nát.
  • Bột gạo lứt cho vào chút nước khuấy cho tan đều.
  • Cho phần nước còn lại vào nồi, nấu cho sôi, cho rau vào nấu chín.
  • Đổ chén bột nước vào khuấy đều, trút ra chén. Cho thêm dầu mè, nước mắm vào trộn đều.

3. Bột gà ác – rau cần tây

Số lượng 1 chén

Nguyên liệu:

  • Bột gạo lứt: 2 muỗm canh gạt
  • Thịt gà ác: 30gr
  • Rau cần tây: vài cọng non
  • Dầu mè: 1 muỗm cà phê
  • Đường: 1/3 muỗm cà phê
  • Nước mắm ngon: 1 muỗm cà phê
  • Nước luộc gà: 200ml

Cách làm:

  • Gà ác rửa sạch, luộc chín, rỉa lấy 2 muỗm canh thịt nạc xé nhỏ
  • Rau cần tây lặt lá non rửa sạch cắt nhỏ
  • Cho chút nước vào bột gạo lứt khuấy tan
  • Nước luộc gà lược lấy lưng chén đun sôi. Đổ chén bột lỏng vào khuấy chín, cho thịt gà, rau cần tây vào, nêm chút mắm. Nấu sôi lên, nhắc xuống
  • Trút vào chén, thêm vào muỗm dầu trộn đều

Chú ý: thịt gà ác (gà lông trắng, thịt đen) rất bổ dưỡng. Trẻ ốm yếu hay đau ốm ăn rất tốt, mỗi tuần có thể ăn vài lần. Có thể thay thế thịt gà ác bằng thịt gà ta, thịt chim bồ câu để đổi bữa.

4. Bột óc heo – rau thì là

Số lượng 1 chén

Nguyên liệu:

  • Bột gạo lứt: 2 muỗm canh gạt
  • Óc heo: 1/2 cái
  • Rau thì là: 1 nhúm nhỏ
  • Dầu mè: 1 muỗm cà phê
  • Đường 1/3 muỗm cà phê
  • Nước mắm ngon: 1 muỗm cà phê
  • Nước sạch: 200ml

Cách làm:

  • Óc heo bỏ lên bàn tay lấy tăm gỡ bỏ sợ gân máu đỏ. Rửa sạch, hấp chín, tán nhuyễn.
  • Rau thì là rửa sạch, lặt cọng non, cắt nhỏ
  • Cho chén nước vào nồi, cho bột gạo lứt vào khuấy đều, nấu chín. Thêm vào óc heo, nước mắm, đường, nấu sôi lên, nhắc xuống.
  • Trút cháo ra chén, cho vào rau thì là, dầu mè, trộn đều.

Chúc mẹ con bạn trải qua thời kỳ tập ăn dặm thú vị, nhiều niềm vui. Chúc bé hay ăn chóng lớn!